Chủ tịch Hồ Chí Minh- người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Tuy đã đi xa nhưng Người đã để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả, trong đó đặc biệt là tư tưởng đạo đức cách mạng. Cả cuộc đời của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn đảng, toàn dân ta nguyện phấn đấu và noi theo. Đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước thì việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lại càng trở nên hết sức quan trọng. Bởi vì tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh luôn là bộ phận quan trọng của nền tảng tinh thần xã hội, là động lực, nguồn sức mạnh để chúng ta vượt qua mọi khó khăn thách thức. Trong giai đoạn hiện nay, khi nước ta còn nhiều khó khăn thì việc thực hành tiết kiệm, học tập đức tính tiết kiệm của Bác là vô cùng cần thiết, đó là một biện pháp quan trọng để mọi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng sửa chữa khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống.
Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh quan niệm cần kiệm, liêm, chính chính là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất có bốn phương. Nếu thiếu một mùa không thành trời, nếu thiếu một phương không thành đất, người thiếu một đức không thành người. Theo Hồ Chí Minh, cần kiệm là đức tính đầu tiên và tư cách đầu tiên của người cách mạng. Có cần mới có kiệm, có cần kiệm mới liêm, có cần, kiệm, liêm mới chính. Bốn đức tính này liên quan chặt chẽ với nhau.
Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thời giờ, tiết kiệm tiền của dân, của nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, “ không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức”. Tiết kiệm là giảm bớt hao phí sức lực, của cải thời gian trong sản xuất hoặc trong sinh hoạt, dành dụm được do chi tiêu đúng mức. Đối với việc quản lí sử dụng ngân sách, tiền của, tài sản của nhà nước thì tiết kiệm là sử dụng ở mức thấp hơn định mức tiêu chuẩn chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức tiêu chuẩn chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định. Ví dụ như tiết kiệm thời gian thì một giờ làm việc bằng hai ba giờ, một người làm việc bằng hai ba người, một đồng sử dụng bằng hai ba đồng. Tiết kiệm chính là khéo léo tổ chức.
Trong những năm qua đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề tiết kiệm, chống tham ô, quan liêu, lãng phí. Trong nhiều văn kiện của Đảng nói nhiều đến tư tưởng đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Nhiều đồng chí đã suy thoái về đạo đức, lối sống: lo vun vén cho lợi ích cá nhân, coi nhẹ đạo đức lãng phí thời gian, tiền của tức là đã thiếu đi đức tính tiết kiệm. Đất nước ta còn nghèo, nhiều vùng, nhiều gia đình đời sống còn gặp khó khăn, thì việc mỗi cá nhân, tổ chức phải biết tiết kiệm thời gian công sức, tiền của là việc làm vô cùng cần thiết.
Thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về đức tính tiết kiệm, cac nha trường đã tích cực hưởng ứng. Vào đầu các năm học nhà trường phân công giảng dạy phù hợp với chuyên môn và năng lực của từng giáo viên, tạo tâm lí thoải mái, yên tâm công tác cho giáo viên đồng thời đã tận dụng được tối đa năng lực chuyên môn của mỗi giáo viên. Đối với giáo viên, luôn có ý thức tiết kiệm thời gian, đầu tư thời gian cho chuyên môn để nâng cao chất lượng giờ dạy, có kế hoạch làm việc cụ thể, khoa học và hợp lí, thực hiện nghiêm túc giờ giấc ra vào lớp, giờ giấc các cuộc họp cơ quan, họp tổ chuyên môn. Trong các giờ học, giáo viên tận dụng tối đa thời gian 45 phút để hướng dẫn học sinh học tập, chú ý phát huy vai trò chủ động sáng tạo của học sinh nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giáo dục hiện nay. Lanh dao nhà trường cũng như các tổ trưởng chuyên môn và các đoàn thể luôn chuẩn bị kĩ nội dung cuộc họp trước khi triển khai tới toàn hội đồng. Mọi giáo viên đều có mặt đầy đủ đúng giờ, thực hiện nghiêm túc, chú ý lắng nghe, ghi chép và đóng góp ý kiến có chất lượng.
Ban giám hiệu, các giáo viên luôn có ý thức tiết kiệm điện nước, tắt điện và quạt khi ra khỏi phòng, sử dụng nước uống, nước sinh hoạt phù hợp không lãng phí, không sử dụng điện nước khi không cần thiết; sử dụng văn phòng phẩm hợp lí. Ngay từ đầu năm học ban giám hiệu đã cho từng giáo viên đăng kí văn phòng phẩm theo nhu cầu để tránh tình trạng lãng phí mua về mà không sử dụng được. Giáo viên tích cực làm và sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học thường xuyên có hiệu quả cao. Nhiều đồ dùng được sử dụng trong nhiều tiết, trong nhiều năm. Để tiết kiệm về tài chính nhà trường cũng như các tập thể lớp luôn chi tiêu đúng mục đích và có ý nghĩa.
Các thầy cô giáo trong trường luôn quan tâm giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm: Tiết kiệm thời gian, dành thời gian cho học tập, không tham gia những trò chơi vô bổ. Có ý thức bảo vệ của công không viết vẽ bậy, làm hỏng cơ sở vật chất của nhà trường. Chi tiêu hợp lí: Tiết kiệm khi mua sắm những đồ dùng thiết yếu như SGK, vở ghi, đồ dùng học tập, quần áo. Luôn nhắc nhở các em quần áo ngắn, chật nhưng vẫn còn tốt đem ủng hộ học sinh nghèo, học sinh vùng cao.
Tiết kiệm là phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người. Bởi vậy mỗi chúng ta cần phải nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm để góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.